T3, 06 / 2019 12:05 sáng | phamhanh

Công việc kiểm toán độc lập do kiểm toán viên chuyên nghiệp thực hiện, công việc này không tạo ra thêm các thông tin về báo cáo tài chính mà nó chỉ làm tăng mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính. Những người sử dụng kết quả kiểm toán tin tưởng và bổ nhiệm kiểm toán viên bởi tích chất hành nghề độc lập của kiểm toán viên và khả năng về chuyên môn nghiệp vụ cũng như tư chất đạo đức chính trực khách quan trong công việc của họ. Hãy cùng công ty kiểm toán Thái Dương tìm hiểu về những nguyên tắc nghề nghiệp đối với nghề Kiểm toán.

Hình minh họa

1. Độc lập:

Độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của kiểm toán viên. Tính độc lập bao gồm:

 Độc lập về tư tưởng – Là trạng thái suy nghĩ cho phép đưa ra ý kiến mà không chịu ảnh hưởng của những tác động trái với những đánh giá chuyên nghiệp, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực, khách quan và có sự thận trọng nghề nghiệp.
 Độc lập về hình thức – Là không có các quan hệ thực tế và hoàn cảnh có ảnh hưởng đáng kể làm cho bên thứ ba hiểu là không độc lập, hoặc hiểu là tính chính trực, khách quan và thận trọng nghề nghiệp của nhân viên công ty hay thành viên của nhóm cung cấp dịch vụ đảm bảo không được duy trì.

2. Chính trực:

Người làm kiểm toán phải thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng. Tính chính trực còn nhấn mạnh đến sự công bằng và sự tín nhiệm.

3. Khách quan:

Người làm kiểm toán phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị. Cần tránh các mối quan hệ dẫn đến sự thành kiến, thiên vị hoặc bị ảnh hưởng của những người khác có thể dẫn đến vi phạm tính khách quan, không nên nhận quà hoặc tặng quà, dự chiêu đãi hoặc mời chiêu đãi đến mức có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá nghề nghiệp hoặc tới những người mình cùng làm việc.

4.Năng lực chuyên môn và tính thận trọng:

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự thận trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần. Kiểm toán viên có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc

5.Tính bảo mật:

Người làm kiểm toán phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.

6.Tư cách nghề nghiệp:

Người làm kiểm toán phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.

7.Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn:

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán theo những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã quy định trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, quy định của Hội nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được nhất quán và duy trì theo nguyên tắc nghề nghiệp đề ra thì Kiểm toán viên luôn phải trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ để có thể đáp ứng được:

  • Yêu cầu về học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm nghề kiểm toán.
  • Các yêu cầu về cập nhật chuyên môn liên tục.
  • Các quy định về bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp.
  • Các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định về thủ tục soát xét.
  • Các quy trình kiểm soát của Hội nghề nghiệp hay của cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp kỷ luật.
  • Kiểm soát từ bên ngoài do một bên thứ ba được ủy quyền hợp pháp đối với các báo cáo, tờ khai, thông báo hay thông tin do người làm kiểm toán lập. Thông qua đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu của 7 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nói trên.

Việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp có thể bị đe dọa trong rất nhiều trường hợp. Các nguy cơ có thể được phân loại như sau:

1.Nguy cơ do tư lợi:

Nguy cơ này có thể xảy ra do việc người làm kiểm toán hoặc thành viên trong quan hệ gia đình ruột thịt hay quan hệ gia đình trực tiếp của người làm kiểm toán có các lợi ích tài chính hay lợi ích khác;

2.Nguy cơ tự kiểm tra:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kiểm toán phải xem xét lại các đánh giá trước đây do mình chịu trách nhiệm;

3.Nguy cơ về sự bào chữa:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kiểm toán ủng hộ một quan điểm hay ý kiến tới mức độ mà tính khách quan có thể bị ảnh hưởng;

4.Nguy cơ từ sự quen thuộc:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi, do các mối quan hệ quen thuộc mà người làm kiểm toán trở nên quá đồng tình đối với lợi ích của những người khác; và

5.Nguy cơ bị đe dọa:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kiểm toán có thể bị ngăn cản không được hành động một cách khách quan do các đe dọa (các đe dọa này có thể là có thực hoặc do cảm nhận thấy).

Tuy nhiên dù trên khía cạnh khách quan hay chủ quan thì cũng không thể lường hết được những rủi ro, nguy cơ trong quá trình kiểm toán, nhưng việc chúng ta luôn luôn trau dồi kiến thức, hiểu và nắm rõ được các quy định cơ bản về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vẫn là yếu tố “tiên quyết”.

Tóm lại, việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đối với mỗi kiểm toán viên là rất quan trọng. Mỗi cá nhân cần phải rèn luyện tinh thần, tu dưỡng đạo đức và nâng cao tinh thần trách nhiệm bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn của mình. Không những thế, các kiểm toán viên cần được sự hỗ trợ từ môi trường làm việc và sự kiểm soát của pháp luật để việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được thực hiện dễ dàng và đúng đắn hơn.

Nếu Quý vị có nhu cầu kiểm toán trong các lĩnh vực báo cáo tài chính, kiểm toán xây dựng…, xin hãy liên hệ với Công ty kiểm toán Thái Dương qua số điện thoại: 0978.315.618 hoặc 0904.889.477 chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ.

 

Bài viết cùng chuyên mục